Kim De L’Horizon và „Dẻ gai“ – tiểu thuyết tiếng Đức hay nhất của năm 2022 – Deutscher Buchpreis 2022
Mình mua cuốn này vì quan tâm đến giải thưởng thường niên Deutscher Buchpreis và cũng vì tác giả khiến mình tò mò 🙂
Trích đoạn „Dẻ gai“ (nguyên tác „Blutbuch“)
„Chẳng hạn như cháu không bao giờ chính thức nói „điều này“ với bà. Như có lần cháu trang điểm tới uống cà phê, mang theo một hộp Lindt&Sprüngli (loại cỡ vừa chứ không phải hộp nhỏ như thường thấy), hoặc sau này mặc váy ngắn tới ăn Giáng Sinh. Cháu biết, hoặc cho rằng, mẹ đã nói điều này với bà. „Điều này“. Hẳn mẹ phải nói „điều này“ với bà, vì cháu không thể nói „điều này“. Đó thuộc về những điều người ta không thể nói. Cháu nói „điều này“ với bố, bố nói „điều này“ với mẹ, mẹ hẳn đã nói „điều này“ với bà.
Những chuyện mà chúng ta không bao giờ nói: vết bớt to tướng trên tay trái của mẹ, sự nặng nề bố vác theo vào nhà – mỗi khi đi làm về; như vác theo một con hươu chết to đùng, ướt nhẹp, thối rữa; nết ăn chép miệng to của bà, phân biệt chủng tộc của bà, nỗi buồn của bà khi ông mất; gu chọn quà dở tệ của bà; cô người tình mẹ có khi cháu khoảng bảy tuổi, chiếc hoa tai bạc cô ấy tặng mẹ khi chia tay, chiếc hoa tai tựa giọt lệ dài chảy từ dái tai cho tới tận xương quai xanh của mẹ khi mẹ còn đeo nó để khiêu khích bố; vô số canh giờ cháu dùng để hứng chiếc hoa tai trượt từ tay này sang tay khác – những lúc cháu cảm thấy không bị quan sát -, giơ nó dưới ánh mặt trời để nó ném lên tường những họa tiết rực lửa, khao khát cháy bỏng muốn đeo chiếc hoa tai đó, tiếng nói nội tâm câm nín cấm cháu làm thế, khát vọng muốn có một cơ thể, khao khát được du lịch vòng quanh thế giới của mẹ. Chúng ta không bao giờ nói về chính trị hay văn học, về xã hội phân cấp hay Foucault hoặc về chuyện mẹ bỏ học phổ thông hồi cấp ba khi cháu chào đời. Chúng ta không bao giờ nói về chuyện bà mọc râu khi mang thai mẹ, người ta gọi đó là „chứng rậm lông“. Chúng ta không bao giờ nói về chuyện bà đã xử lý nó như thế nào, dùng dao cạo, dùng sáp nến hay dùng nhíp để nhổ những sợi râu đen, liệu bà có uống thuốc đối kháng androgen để khống chế lượng testosterone – mà cơ thể của bà „sản xuất quá liều“ – chúng ta không bao giờ nói về chuyện người ta nhìn bà ra sao, bà đã phải xấu hổ đến thế nào. Đương nhiên chúng ta không bao giờ nói về chỗ kín, về cái chết, về cái chết của bà, về bệnh đãng trí ngày càng lớn của bà. Chúng ta nói rất nhiều về những cuốn album gia đình, về từng bức hình trong đó. Tuy nhiên chúng ta không bao giờ nói về chuyện trông ông tức cười ra sao trong những tấm ảnh chụp cùng nhóm huynh đệ, về cách họ ưỡn ngực, dạng chân toét miệng cười nhìn vào máy ảnh. Chúng ta không bao giờ nói về cô gái lượn lờ trong những cuốn album đó đến một độ tuổi nhất định, thường nắm tay bà, thỉnh thoảng nắm tay một trong số 5 người anh của bà, không, chúng ta không bao giờ nói về chuyện cô em gái Irma nhỏ tuổi nhất này đã biến đi đâu mất. Chúng ta không bao giờ nói về việc liệu những gia đình khác có thấy thật vất vả khi phải cố tỏ ra mình cũng như bao gia đình khác. Chúng ta không bao giờ nói về bình thường, không bao giờ nói về dị thường, dị tính, chúng ta không bao giờ nói về tầng lớp, về thứ gọi là thế giới „thứ ba“, về những lưới nấm bí mật rộng và mịn hơn trong hình dung của chúng ta. Chúng ta không bao giờ nói về tất cả những con đường thế giới đã trải sẵn, trải sẵn cho chúng ta để rồi trốn chạy khỏi chúng ta, những con đường ngoằn ngèo, những con đường nằm trong bóng cây dương lớn, những con đường cằn cỗi vô tận quấn quanh thế giới này như những sợi chỉ quấn quanh cuộn chỉ, nhưng chúng ta lại nói về những con đường đều có tên „Jakobsweg“.
Vài tuần trước, chúng ta ngồi trên ghế sofa, bà cho cháu xem một cuốn album. Cháu buộc mình phải tỏ ra quan tâm hệt như mười lần trước khi bà kể về những bức ảnh này bằng chính những lời bình phẩm ấy. Chúng ta cùng xem bức ảnh của mẹ bà khi mang thai bà, bức ảnh khiến cháu kinh ngạc những lần đầu tiên vì nhìn thấy một người phụ nữ trần truồng, trong một cuốn album gia đình tiểu tư sản năm 1935. Đột nhiên bà ngừng lời, nhìn cháu và hỏi: „Vì sao không bao giờ có cháu ở đó?“
Cháu ngồi bên bàn viết của mình ở Zurich, cháu hai mươi sáu tuổi, trời đang dần tối, một trong những buổi tối mùa đông khi người ta đã thoảng thấy một chút xuân, một mùi mềm mại: của những đóa kim ngân hoa, quá ngọt và hồng nhạt; của những người lại bắt đầu chạy bộ, mang theo mồ hôi của họ qua những con phố quá sạch. Cháu không chạy bộ. Cháu ngồi đây và cắn móng tay, mặc kệ lớp sơn chống cắn ecrinal đắng ngoét, cháu nhai cho tới khi vành móng trắng cụt lủn và vẫn tiếp tục, cháu không ngừng đẩy lớp móng trắng này tụt xuống phía sau. Nửa năm trước, cháu nhận công việc chán ngây ngất trong kho lưu trữ nhà nước, cả ngày kẹt giữa những kệ giá sâu trong lòng đất, phân hạng hồ sơ bệnh án của những bệnh nhân đã chết từ lâu, không nói với ai, mãn nguyện, vô hình. Cháu để tóc dài, về nhà và lại ngồi xuống đây, bên bàn viết, nơi cháu có thể nhìn thấy những cây sồi trong vườn hàng xóm, nơi cháu hồi tưởng về những cây dẻ gai, những cây dẻ gai của chúng ta, những cây sồi to lớn, lá đỏ giữa khu vườn của chúng ta. Cháu viết. Nếu bạn Dina và Mo ngồi đâu đó, viết và nhắn cho cháu: „Muốn đến uống chút gì không?“, cháu sẽ không nhắn lại. Cháu cố viết, khi không thể viết, khi chìm lỉm trong đới gian triều của quá khứ, cháu sẽ cạo râu, tắm và đạp xe ra vùng ngoại ô thành phố, ra riềm thăn như người Anh hay nói. Cháu tìm kiếm các trạm xăng và sân bóng, cháu lượn lờ đạp lên xuống trước các phòng tập thể dục. Ứng dụng Grindr là ngọn đuốc tái nhợt của cháu trong đêm tích tụ, nó dẫn cháu tới chỗ những người đàn ông cháu tìm, cháu cần, cháu được cần, cháu để họ nhấc váy lên sau lều dựng xe đạp, cháu để họ ấn vào trong người cháu, nhanh và vô cảm, cháu thừa cảm xúc, đâu cần thêm nữa, cháu chỉ cần một cú thọc tợn từ họ. Cháu kết nghĩa chị em với tấm lưới sắt hoen rỉ của phòng tập thể dục tại đó bằng cách bấu chặt lấy nó. Lần sau cháu sẽ kết nghĩa chị em với khu vực lối vào khán đài đã bị lãng quên, nơi cho cháu điểm tựa, last but not least cháu ép má mình thật lâu vào cửa phòng chờ của vệ sĩ, cho tới khi cảm xúc lại ùa về trong da thịt. Sau đó cháu về nhà, tinh trùng còn ở trong và mùi đàn ông lạ còn dính trên người, cảm giác ấm áp ở giữa trống trải đủ lấp đầy khoảng thời gian về nhà. Rồi cháu đi vệ sinh, lại cạo râu, cạo nách, chân, chỗ kín, cháu luôn sợ khả năng tối ngủ chợt tỉnh giấc và có mùi của một người khác. Rồi cháu lại đi vệ sinh lần nữa để tống ra chỗ tinh trùng còn lại trong người, đi tắm, lấy miếng bọt biển kì cọ, thoa kem. Da cháu nổi đỏ vì cạo nhiều lần. Cháu lại ngồi xuống bên bàn viết, vào tầm ngắm những cây sồi, giờ cháu mới nhận ra cháu viết cho bà từ nãy đến giờ. Khi không viết, cháu đọc hoặc nghĩ đến khả năng đem thân mình ra đường Jacobsweg, nghĩ đến khả năng bước đi cho tới khi cháu không còn nghĩ gì nữa hoặc đến Santiago de Compostela hoặc ra tới biển, nghĩ đến khả năng không làm tất cả những điều đó.
Chúng ta không bao giờ nói về chuyện bà không còn tìm thấy đường về nhà vào một buổi chiều nọ, mẹ nhận được cuộc gọi của cảnh sát. Chúng ta không bao giờ nói về chuyện đưa bà vào nhà dưỡng lão, về chuyện tháng trước bà phát bệnh nặng, tỉnh dậy trong trung tâm phục hồi, bà hỏi ban công nhìn ra toàn cảnh thành phố Bern đâu. Khi đó mẹ nói: „Nhưng người ta đã dỡ nó rồi mà, nó không còn chắc chắn nữa.“ Bà bảo: „À đúng rồi“, bật cười hơi to về bản thân mình rồi nói về khóm phong lữ thảo trên ban công. Cháu ghét mẹ nhát gan đã không nói với bà sự thật, cháu thấy bực mình rồi chính cháu lại cảm động không ngờ trước lo lắng của mẹ về bà. Mẹ đột nhiên trở thành caring daughter, cháu thì không, cháu nghĩ, mẹ không thể biến con thành caring daughter. Sau đó cháu từ biệt mẹ, lạnh lùng hơn bình thường. Chúng ta không nói về việc rất có khả năng bà sẽ phát bệnh trong vòng 6 tháng tới („bà ấy sẽ phát bệnh“ – thứ ngôn ngữ ngành y này, cứ như bà cố tình làm điều đó), chúng ta không nói về việc rất có khả năng lần phát bệnh này sẽ phá hủy nốt phần trí nhớ còn lại của bà.
Giờ đã là đêm. Cháu hình dung ra cảnh bà đang đứng trước cửa sổ trong khu phục hồi, đối mặt với đêm. Cháu cảm nhận được bà đang dần biến mất. Bà yêu dấu, cháu còn muốn viết cho bà, trước khi bà hoàn toàn biến mất khỏi cơ thể bà hoặc không còn tiếp cận với kí ức của mình được nữa.
Cháu muốn có thể nói với bà rằng cháu sợ bà, rằng ngày đó cháu làm vỡ lọ mứt mâm xôi bà vừa làm mà bà lại tưởng mẹ làm vỡ nó, rằng đúng là mẹ cũng nhận lỗi để bảo vệ cháu và bà đã đay nghiến mẹ. Vì chuyện đó mà đến giờ lương tâm cháu vẫn còn cắn rứt, đối với cả hai người. Cháu muốn biết điều gì đã xảy ra với bà cô Irma, với cô gái nắm tay bà đi trong các cuốn album gia đình rồi biến mất. Cháu muốn hiểu là bà thì như thế nào: một người phụ nữ bình thường của tầng lớp bình dân ở Thụy Sỹ của thế kỷ 20. Cháu muốn hiểu vì sao cháu gần như không có kí ức nào về thời thơ ấu, mà nếu có, lại chỉ về bà. Cháu muốn tìm được một ngôn ngữ có thể dùng để hỏi bà: „Người như cháu đang ở đâu?“ Cháu muốn biết sự khốn nạn này vào mạch máu chúng ta như thế nào.
Bà quá lớn tiếng, quá khiêu khích, quá thô lỗ, bà không bao giờ biết lắng nghe, bà gửi tiền cho cháu và viết thêm một câu: „Cháu biết cháu có thể tới thăm bà bất cứ lúc nào.“ Cháu xin lỗi vì cháu là một đứa cháu hư. Cháu quá mỏng để có thể ngoan hiền.
Bà yêu dấu. Khi nghĩ đến bà, cháu nghĩ đến tất cả những gì chúng ta đã và không bao giờ có thể nói với nhau. Cháu nhớ bà luôn kiêu hãnh dùng những từ mà tiếng Đức ở Bern đã mượn từ tiếng Pháp. Tuy có thể hiểu được niềm kiêu hãnh này nhưng nó khiến cháu vô cùng khó chịu. Vì tiếng Pháp là do Napoleon đem tới cho chúng ta, đó là ngôn ngữ xâm lược, ngôn ngữ của người chỉ huy tuy văn minh nhưng bạo ngược. Ông ta đem ngôn ngữ đến cho chúng ta và cả vài điều luật, nhưng ngược lại cũng đánh cắp kho báu thành Bern lừng danh khắp châu Âu. Cũng phải vài trăm triệu đấy, nếu đổi thành giá đồng franc Thụy Sỹ hiện tại (lại từ franc!). Ông ta dùng nó để trả nợ và cho trận đánh Ai Cập. Cháu biết, giờ cháu đang mèo già khóc chuột, vì từ cuối thế kỷ 19 chính chúng ta cũng vô địch thế giới về cướp tài chính cao. Nhưng bước ăn cắp của Napoleon đã khiến Thụy Sỹ đầu thế kỷ 19 trở thành quốc gia với mức nhập cư cao ngất ngưởng với hệ quả thuế kéo dài đến tận thế kỷ 20: Vì trước đó người dân Bern không phải đóng thuế. Cháu thấy thật nực cười khi bà kiêu hãnh mang theo thành quả của người đàn ông góp phần gây ra sự nghèo đói của bà.“ (….)