gingerbread, cookies, christmas-7570815.jpg

Đoàn tụ gia đình

(Lưu ý: Những thông tin sau đây áp dụng cho các trường hợp đoàn tụ gia đình với công dân các nước thứ 3, VD: Việt Nam)

Cơ sở pháp lý: § 30 Luật cư trú (Điều 6 khoản 1 Hiến pháp)

Quá trình xét duyệt:

  1. Nguyện vọng đoàn tụ và giữ gìn mái ấm gia đình?
    Dựa vào những cơ sở nào để có thể nhận định đó là cuộc sống gia đình? Bạn đang sống cùng nhà, chỉ vào cuối tuần hay có những lý do nào khác cho thấy hai bạn không sống cùng nhau? Vợ/chồng hiện đang sống trong trung tâm hỗ trợ y tế hoặc người tàn tật hay trong tù? Ly thân tạm thời?

    Đoàn tụ gia đình được thiết lập dựa trên cơ sở bảo vệ đời sống gia đình. Điều kiện tiên quyết đương nhiên chính là hai bạn đã kết hôn (Ehe) và cuộc hôn nhân này vẫn chưa tan vỡ (chưa ly hôn, hủy hoặc kết hôn giả). Ngược lại, lý do bạn kết hôn hay người bạn kết hôn có giới tính nào không liên quan gì đến việc đoàn tụ gia đình. Ngoài ra, tuy mối quan hệ bạn đời (Lebensgemeinschaft) không được bảo vệ như hôn nhân nhưng cũng được hưởng những quyền lợi tương đương. Trong trường hợp bạn mới đính hôn (Verlöbnis), bạn cũng có thể đặt đơn xin đoàn tụ gia đình nếu bạn đã/sắp có hẹn đến đăng ký kết hôn.

    Vậy thì khi nào mới được coi là bạn có nguyện vọng đoàn tụ và giữ gìn mái ấm gia đình? Đó là khi bạn chứng minh được hai bạn thường xuyên giữ liên lạc với nhau chứ không chỉ thỉnh thoảng mới đến thăm. Sống cùng nhà thường được coi là điều kiện cần có, trừ phi vì lý do công việc nên một trong hai bạn phải đăng ký thêm địa chỉ tạm trú khác. Nếu hai bạn sống ly thân, bạn cần chứng minh được nguyện vọng hàn gắn hôn nhân: thường xuyên tới thăm, cùng chia sẻ chi phí sinh hoạt, cùng nhau xuất hiện chỗ họ hàng hoặc bạn bè chung.
    Nếu vợ/chồng bạn vì lý do sức khỏe phải ở trong trung tâm hỗ trợ y tế hoặc dành cho người tàn tật, bạn vẫn có thể đặt đơn xin đoàn tụ nếu chứng minh được mối quan hệ gia đình. Ngay cả khi nếu bạn đang ở tù thì đây cũng không nhất thiết phải là nguyên nhân bạn không thể xin đoàn tụ. Tuy nhiên, những trường hợp này cần có lý do chính đáng thực sự thuyết phục.

  2. Quyền cư trú của người đón?
    Vào thời điểm quyết định về đơn xin đoàn tụ, người đón ở Đức phải có giấy phép cư trú/giấy phép định cư/giấy phép được cư trú lâu dài EU/thẻ xanh EU/thẻ ICT hoặc thẻ ICT-Mobil mà không vướng phải kiện tụng nào liên quan đến quyền cư trú. Nếu bạn đã có sẵn thị thực và không gặp khó khăn trong việc xin gia hạn, bạn cũng có thể đệ đơn xin đoàn tụ gia đình cho người nhà của bạn.

  3. Đáp ứng đủ diện tích nhà?
    Điều 29 khoản 1 số 2 luật cư trú quy định bạn cần đáp ứng được đủ diện tích nhà ở nếu muốn đoàn tụ gia đình. Vậy thì như thế nào là đủ? Bạn sẽ phải cung cấp hợp đồng thuê nhà có ghi rõ số lượng phòng, diện tích, số người đang sống trong đó và tiền thuê hàng tháng hoặc xin chứng nhận của chủ nhà về những nội dung đã nêu. Bạn không nhất thiết phải là người thuê chính thức (Hauptmieter) mà có thể thuê lại (Untermieter) của người đó nếu điều này được chủ nhà cho phép. Diện tích nhà được coi là đủ nếu mỗi thành viên trên 6 tuổi có khoảng 12m2, dưới 6 tuổi 10m2, chưa tính đến những khu vực phụ như bếp, nhà vệ sinh, nhà tắm. Ngoài ra, tình trạng nhà cửa cũng phải đạt tiêu chuẩn tối thiểu chứ không được quá nát.

  4. Đảm bảo được chi phí sinh hoạt?
    Ngoài những điều kiện đã nói trên, bạn còn cần đảm bảo được chi phí sinh hoạt, nghĩa là bạn có công ăn việc làm có lương, không phụ thuộc vào trợ cấp thất nghiệp hoặc xã hội. Nếu người đặt đơn là dân tị nạn, có thể miễn điều kiện này nếu đơn xin đoàn tụ gia đình được nộp trong vòng 3 tháng kể từ ngày nhận được quyết định chấp nhận đơn xin tị nạn.

  5. Những lý do từ chối đơn xin đoàn tụ gia đình?
    Nếu đơn của bạn bị từ chối, một trong những lý do sau có thể là nguyên nhân: Thu nhập không đủ sống, cần trợ cấp xã hội, có lý do trục xuất (đặc biệt nếu SNK có cơ sở để cho rằng bạn thuộc/ ủng hộ nhóm khủng bố hoặc chống đối lại nền dân chủ cộng hòa) hoặc cung cấp thông tin không chính xác trong quá trình xin thị thực.

  6. Trình độ tiếng Đức GER A1?
    Trình độ này là mức cơ bản nhất mà người được đón sang cần phải có, để có thể giao tiếp được theo cách đơn giản bằng tiếng Đức, trừ phi: bạn mù chữ, bạn có khiếm khuyết về cơ thể, trí tuệ hoặc tâm lý hay có một số lý do ngoại lệ đặc biệt nào khác, ví dụ như chứng minh được nỗ lực hòa nhập xã hội. Trong một số trường hợp, có thể miễn điều kiện A1: Nếu người được cấp thị thực theo điều 18c khoản 3, điều 21, điều 38a, điều 25 khoản 1 hoặc khoản 2 hoặc điều 26 khoản 3 luật cư trú (những người xin tị nạn); công dân các nước thứ 3 được ưu tiên: Úc, Israel, Nhật, Canada, Neuseeland, Hàn Quốc và Mỹ.
    Thường thì bạn phải có chứng chỉ A 1 để chứng minh trình độ tiếng Đức. Tuy nhiên, nếu bạn có thể giao tiếp khiến người xét đơn không thể nghi ngờ về khả năng tiếng Đức của bạn, bạn cũng không cần phải cung cấp chứng chỉ này.