Quelle: https://www.proasyl.de/news/faq-fragen-und-antworten-zum-chancen-aufenthaltsrecht/
Khoảng 135.000 người ở Đức hiện có thể hưởng quyền cư trú này, thoát khỏi việc tạm dung xâu chuỗi (Kettenduldung). Các chính trị gia vẫn đang thảo luận, sau đây là một số thông tin quan trọng do PRO ASYL cung cấp:
Chancen-Aufenthaltsrecht (tạm dịch: Quyền cư trú -cơ hội) bắt đầu được áp dụng khi nào?
Điều này vẫn chưa rõ. Đầu tháng 7 năm 2022, nội các liên bang đã đưa ra dự thảo luật, dự thảo này có lẽ sẽ được quốc hội thảo luận và quyết định vào khoảng tháng 10. Nghĩa là cho tới lúc đó, các đại biểu quốc hội vẫn có thể đề cử những thay đổi. Quyền cư trú này có lẽ sẽ có hiệu lực từ tháng 12 năm 2022.
Đã xác định được nội dung của quyền cư trú này chưa?
Phần lớn nội dung thì đã có. Nhưng hiện tại, đây vẫn mới là dự thảo mà chính phủ liên bang đưa ra đầu tháng 7, các thành viên của quốc hội vẫn còn có thể thay đổi những nội dung này.
Mục đích của quyền cư trú này là gì?
Theo thỏa thuận liên minh, quyền cư trú này nhằm chống lại hình thức tạm dung xâu chuỗi đang được áp dụng trên thực tế. Những ai chỉ được tạm dung cho đến ngày 1 tháng 1 năm 2022 (tạm hoãn trục xuất, người đó vẫn có nghĩa vụ phải rời khỏi Đức), sẽ có thể được cấp thị thực cư trú thử một năm, có cơ hội được ở lại lâu dài.
Như thế thì đây là cơ hội tốt cho khoảng 135.000 người đã sống nhiều năm ở Đức, nhưng gặp nhiều hạn chế và thường xuyên phải lo sợ bị trục xuất. Tuy nhiên có hai điểm cần lưu ý: Có thực là tất cả những người này đều đáp ứng được các điều kiện của quyền cư trú-cơ hội này không? Trong vòng 1 năm đó, họ có chứng minh được những yêu cầu để ở lại lâu dài, ví dụ như tự đảm bảo đời sống, chứng minh danh tính và quốc tịch?
Điều kiện của quyền cư trú này là gì? ?
Theo dự thảo của chính phủ, cần đáp ứng được các điều kiện sau: 5 năm cư trú liên tục ở Đức nhờ tạm dung, được phép hoặc được cấp thị thực, tuyên bố công nhận nền tự do dân chủ. Tuy nhiên những điều kiện này vẫn chưa được xác định rõ ràng.
Những điều kiện chưa cần đáp ứng: đảm bảo đời sống sinh hoạt, hộ chiếu hoặc chứng thực danh tính. Chính bởi quyền cư trú này có mục đích tạo cơ hội cho những người tới nay chưa có được những điều kiện nói trên chứng minh được trong thời gian 1 năm nhận quyền cư trú.
Ai bị loại khỏi quyền cư trú này, này cả khi người đó có đủ điều kiện?
Theo đề nghị hiện nay, những ai bị phạt tù hoặc phạt tiền từ 50 ngày trở lên (90 ngày nếu liên quan đến các tội do người nước ngoài gây ra theo luật thị thực hoặc luật tị nạn như nhập cảnh và cư trú ở Đức mà không có hộ chiếu hoặc thị thực) sẽ không được hưởng quyền cư trú này. Điều này cũng áp dụng cho những người trẻ tuổi bị phạt án treo hoặc phạt tù theo luật hình sự thanh thiếu niên.
Tuy nhiên cần phân biệt hình phạt dành cho thanh thiếu niên với các hình thức tạm giữ cảnh cáo và các bản án khác. Những hình thức này không được phép dẫn đến việc từ chối cấp quyền cư trú-cơ hội.
Ngoài ra, theo dự thảo luật của chính phủ, những ai thường xuyên cung cấp thông tin sai lệch hoặc dối trá về danh tính và quốc tịch của mình – để cố ý nhờ đó tránh được việc bị trục xuất – cũng sẽ không được hưởng quyền này.
Quyền cư trú này có áp dụng cả với các thành viên gia đình của người có quyền, ngay cả khi những thành viên này vẫn chưa sống 5 năm ở Đức?
Có! Theo dự thảo chính phủ, vợ/chồng hoặc bạn đời, con của người được hưởng quyền hiện đang sống cùng một hộ gia đình đều nhận được quyền này, ngay cả khi họ vẫn chưa sống 5 năm ở Đức, nếu họ đáp ứng được những điều kiện còn lại.
Nếu đáp ứng được 3 điều kiện (5 năm cư trú, không phạm tội, công nhận nền dân chủ) thì người ta phải làm gì?
Khi luật bắt đầu có hiệu lực (sớm nhất là vào tháng 12 năm 2022), họ sẽ phải đặt đơn xin được hưởng quyền cư trú-cơ hội ở sở ngoài kiều phụ trách họ.
Nếu nhận được quyền cư trú này, thị thực của họ sẽ là gì?
Ai được hưởng quyền cư trú-cơ hội sẽ nhận được giấy phép cư trú có thời hạn 1 năm, được phép đi làm – dù là tự kinh doanh hay làm cho chủ lao động.
Sau quyền cư trú này thì sao?
Theo dự thảo luật, sau 1 năm cư trú, người ta có thể chuyển sang chế độ được ở lại lâu dài nếu đáp ứng được những điều kiện sau: chuyển sang quy định được ở lại lâu dài dành cho thanh thiếu niên/người mới trưởng thành hội nhập tốt (14 – 20 tuổi, điều 25a luật cư trú), trong đó bao gồm cả bố mẹ và anh chị em, hoặc chuyển sang quy định ở lại lâu dài cho người trưởng thành hội nhập lâu bền (điều 25b luật cư trú). Nhờ những quy định này, họ cũng có cơ hội nhận được giấy phép cư trú cho khoảng thời gian lâu hơn.
Những điều kiện để chuyển chế độ này vẫn chưa được quy định rõ ràng, bởi vì ngay cả điều 25a và 25b luật cư trú có khả năng còn được thay đổi. Hiện tại, trong dự thảo luật có tính đến việc tạo cơ hội đáp ứng dễ hơn cho những ai đặt đơn, ví dụ: giảm thời gian trước khi được tạm dung (thời gian có mặt ở Đức), tăng độ tuổi người vừa trưởng thành.
Nếu không đáp ứng được những yêu cầu này, hiện trong dự thảo luật quy định người đó sẽ quay trở về chế độ tạm dung.
Cần phải làm gì trong 1 năm hưởng quyền cư trú này?
Quan trọng nhất là sau khi hết 1 năm, tất cả những điều kiện cơ bản để cấp thị thực phải được đáp ứng: (phần lớn) tự đảm bảo đời sống sinh hoạt, chứng minh được danh tính và quốc tịch, có hộ chiếu.
Những người được hưởng quyền cư trú này có sợ bị trục xuất không?
Điều này còn liên quan đến việc người đó đang sống ở bang nào. Ở một số bang như Rheinland-Pfalz, Thüringen, Hessen, Niedersachsen, Bremen, Nordrhein-Westfalen, Brandenburg và Schleswig-Holstein đã có những quy định dự đoán, tuy nhiên rất khác nhau. Ví dụ: không được phép tranh thủ phút cuối trục xuất những ai sẽ được hưởng quyền cư trú này. Ở các bang khác lại không có quy định này. Điều này phụ thuộc vào quyết định của từng sở ngoại kiều.
Chủ lao động có thể làm gì để hỗ trợ nhân viên của mình đáp ứng được các yêu cầu nói trên?
Tuy dự thảo luật không yêu cầu tác động của chủ lao động, nhưng họ có thể hỗ trợ nhân viên của mình bằng cách lưu ý cho họ về quyền cư trú này, giúp họ trong quá trình liên hệ với cơ quan nhà nước. Họ cũng có thể cung cấp những điều kiện làm việc tôt như ký kết hợp đồng lao động lâu dài, trả lương cao.