(Quelle: https://www.proasyl.de/news/drittstaatsangehoerige-aus-der-ukraine-was-aendert-sich-nach-dem-31-08-2022/)
Đối với nhiều công dân nước thứ ba cho tới nay chưa nhận được bảo hộ tạm thời hoặc một hình thức thị thực nào khác, họ chỉ được phép cư trú hợp lệ ở Đức cho đến hết ngày 31 tháng 8 năm 2022. Tiếp theo đó thì sao? Sau đây là những thông tin quan trọng nhất (lược dịch):
Quy chế cư trú tạm thời Ukraina – UkraineAufenthÜV
Nhờ quy chế cư trú tạm thời Ukraina, tất cả công dân nước thứ ba chạy nạn từ Ukraina tạm thời có quyền cư trú không cần thị thực cho đến 31.08. Từ 01.09, quy chế này tuy được thay đổi và gia hạn thêm tới ngày 30.11, nhưng chỉ được miễn thị thực 90 ngày kể từ khi nhập cảnh vào Đức.
Tất cả những ai nhập cảnh sau ngày 24.02.2022 cho đến ngày 03.06.2022 sẽ không còn được cư trú miễn thị thực sau ngày 31.08. Ai nhập cảnh sau ngày 03.06 thì sẽ áp dụng quy chế Ukraina ngày 01.07. Nghĩa là những người này sẽ được cư trú 90 ngày không cần thị thực kể từ khi nhập cảnh. Trong khoảng thời gian này, họ sẽ phải lo xin thị thực hợp pháp. Sau 90 ngày, nếu như vẫn không nộp đơn xin thị thực hoặc không được cấp thị thực thì họ sẽ không được coi là cư trú hợp pháp nữa.
Quyền yêu cầu bảo hộ tạm thời theo điều 24 luật cư trú chỉ với những điều kiện nhất định:
Công dân nước thứ ba chạy nạn từ Ukraina có quyền xin bảo hộ tạm thời theo điều 24 luật cư trú nếu như họ được bảo hộ quốc tế ở Ukraina, được định cư dài hạn hoặc chứng minh được họ không thể an toàn quay về quê hương định cư lâu dài. Đối với các nước Eritrea, Syrien và Afghanistan thì điều này dễ được chấp nhận. Nếu công dân nước thứ ba khác đặt đơn xin bảo hộ tạm thời, họ sẽ phải trình bày cụ thể và chi tiết, lý do vì sao mình không thể quay trở lại.
Ngoài ra, người nhà của người Ukraina và của những người được hưởng bảo hộ quốc tế tại Ukraina có thể nhận được quyền cư trú để bảo hộ tạm thời nếu đã lập gia đình tại Ukraina, không phụ thuộc vào việc họ có quay về quê hương được hay không. Người nhà bao gồm vợ/chồng/bạn đời (không kết hôn, cả đồng giới), trẻ vị thành niên và những họ hàng sống cùng hộ gia đình. Tuy nhiên, việc áp dụng quy định này ra sao còn phụ thuộc vào từng bang.
Các khả năng cư trú khác từ ngày 31.08
Thường thì công dân nước thứ ba nên sử dụng khoảng thời gian 90 ngày để có thể đáp ứng được các yêu cầu xin thị thực trung hoặc dài hạn. Những người đặt đơn xin cư trú trong khoảng thời gian nói trên không cần phải trải qua quá trình xét duyệt xin cấp visa (nghĩa là không phải quay trở về quê hương rồi nhập cảnh trở lại khi có visa). Họ được coi là nhập cảnh hợp pháp và có thể đợi ở Đức để xin cấp thị thực.
Tốt nhất là trước ngày 31.08, họ nên tới sở ngoại kiều để đặt đơn xin thị thực. Sở ngoại kiều sẽ kiểm tra trường hợp của họ và cho tới khi nhận được quyết định, họ vẫn được coi là cư trú hợp pháp. Chỉ bằng việc đặt đơn thì tác dụng giả định của điều 81 khoản 3 luật cư trú mới được áp dụng. Đơn đặt đúng hạn sẽ dẫn đến khả năng nhận chứng nhận giả định (Fiktionsbescheinigung), nghĩa là việc cư trú từ sau ngày 31.08 hoặc sau 90 ngày miễn thị thực cho tới khi sở ngoại kiều quyết định được coi là hợp pháp. Họ sẽ không phải bắt buộc rời khỏi Đức. Nếu trong khoảng thời gian chờ đợi, họ đáp ứng được các điều kiện xin thị thực khác, ví dụ như xin học ĐH, thì có thể nộp bằng chứng bổ sung cho sở ngoại kiều.
Tuy nhiên, điều này không mấy dễ dàng. Ngoài việc đáp ứng được các điều kiện xin thị thực, thường họ phải chứng minh được mình tự lo đảm bảo sinh hoạt, đáp ứng nghĩa vụ có hộ chiếu, đôi khi còn phải chứng minh khả năng tiếng Đức. Những khả năng có thể xin thị thực: đi làm, học nghề, học ĐH.
Ai bị bệnh nặng và không thể trở về quê hương, cũng nên thông báo điều này cho sở ngoại kiều. Trong trường hợp này, họ có khả năng được cấp thị thực theo điều 25 khoản 4 câu 1 luật cư trú (cư trú tạm thời trong thời gian điều trị), hoặc theo điều 25 khoản 3 kết hợp với điều 60 khoản 7 câu 1 (nếu căn bệnh này sẽ trở nặng nếu quay về), nếu thế họ sẽ cần chứng nhận của bác sĩ.
Nếu không có hộ chiếu thì tạm thời chưa thể bị đuổi về nước. Nếu vậy, họ sẽ nhận được giấy tạm dung (Duldung) – nếu trước đó đã đặt đơn xin cấp thị thực và bị từ chối. Nếu bị từ chối, họ không còn được coi là cư trú hợp pháp nữa, sẽ có nghĩa vụ phải rời khỏi biên giới Đức, chỉ là chưa bị trục xuất. Cũng phải lưu ý rằng, cả những người có giấy tạm dung cũng phải làm hộ chiếu.
Đặt đơn xin tị nạn là lựa chọn cuối cùng?
Cả những ai không có hộ chiếu Ukraina thì đặt đơn xin tị nạn thường vẫn đi vào ngõ cụt, bởi vì không chứng minh được mình gặp phải đe dọa ở chốn quê hương. Lựa chọn con đường đặt đơn xin tị nạn nghĩa là họ sẽ phải nhập trại, được chuyển đến một bang nhất định, một khu vực nhất định. Đặt đơn xin tị nạn cũng có nghĩa là trong quá trình xét đơn họ không được cấp thị thực. Nếu đơn bị từ chối thì cơ hội xin thị thực duy nhất chỉ còn là do các lý do mang tính nhân văn, chính trị.