business, computer, mobile-2846221.jpg

FAQs

Xin chào! Bạn có thể tìm thấy ở đây những thông tin cơ bản nhất về lĩnh vực luật hôn nhân gia đình và thị thực, cư trú:

Hôn nhân, gia đình

1. Ai là người phải chuyển đi/ở lại?
Khi bắt đầu ly thân, hai bạn có thể tự thỏa thuận ai là người chuyển ra khỏi nhà, ai ở lại. Không ai có quyền ép người kia phải chuyển đi, kể cả khi bạn là chủ sở hữu căn hộ/nhà. Cũng không có điều luật nào quy định vì nhận nuôi con nên bạn được/phải ở lại. Trong trường hợp không thống nhất ý kiến, hai bạn có thể yêu cầu tòa quyết định. Tuy nhiên ngay cả quyết định này cũng chỉ mang tính tạm thời.

2. Nếu đã rời khỏi nhà/căn hộ, tôi có tiếp tục phải trả tiền thuê nhà hoặc sửa chữa khi nhà hỏng?
Có! Người chuyển ra ngoài vẫn phải chịu trách nhiệm, ít nhất là trong mối quan hệ với chủ nhà. Ai chuyển đi và không kịp thời xử lý hợp đồng thuê nhà, người đó sẽ phải chịu trách nhiệm về việc trả chậm hoặc nhà hỏng không sửa. Không có quy định pháp lý nào cho phép một mình người chuyển đi có quyền tự mình kết thúc hợp đồng cũng như buộc người kia đồng ý trong khoảng thời gian ly thân. Tuy nhiên, người chuyển đi có quyền yêu cầu chủ nhà tiếp tục giữ hợp đồng với người ở lại nếu cả hai vợ chồng đều đồng ý. Nếu người ở lại không có thu nhập, chủ nhà có quyền yêu cầu người chuyển đi đặt tiền cọc/cầm cố.

3. Chúng tôi có thể ly thân mà vẫn sống trong cùng một nhà không?
Về lý thuyết thì hai bạn hoàn toàn có thể ly thân mà vẫn ở cùng một nhà. Tuy nhiên bạn sẽ phải chứng minh được hai vợ chồng bạn không còn cùng thực hiện việc nhà và không có quan hệ tình cảm nào nữa.

4. Chúng tôi có thể đồng thuận rút ngắn thời gian một năm ly thân không?
Không! Theo điều 1566 Luật dân sự, hai bạn không thể đồng thuận tự ý rút ngắn khoảng thời gian này. Nếu cố tình khai gian thời gian ly thân, bạn có thể sẽ phải đối mặt với những hậu quả sau về thuế, phân chia tài sản, thừa kế, mất quyền xin trợ cấp chi phí tố tụng, truy tố hình sự vv.
Trong một vài trường hợp ngoại lệ, tòa có thể đưa ra quyết định miễn hoặc rút ngắn thời gian ly thân.

5. Những hệ quả của việc ly thân là gì?
Quyền yêu cầu trợ cấp phí sinh hoạt trong thời gian ly thân, § 1362 BGB
Quyền yêu cầu trợ cấp nuôi trẻ vị thành niên, § 1612a BGB hoặc yêu cầu trả trước trợ cấp nuôi con theo UVG
Quyền yêu cầu bên kia cung cấp thông tin tài sản để phân chia, § 1379 II BGB
Quyền quy định chăm, nuôi con, § 1671 BGB
Quyền một mình quyết định những chuyện sinh hoạt hàng ngày của con, § 1687 I 2 BGB
Quyền đòi lại những vật dụng trong nhà, § 1361a BGB, và nhà/căn hộ, § 1361b BGB (…)

6. Có cần phải nêu cụ thể ngày bắt đầu ly thân không?
Đối với việc ly hôn, hai bạn chỉ cần chứng minh đã ly thân từ hơn một năm nay. Tuy nhiên, bắt đầu ly thân từ ngày nào lại quan trọng đối với việc tính toán cân bằng tài sản. Nếu không nêu được cụ thể ngày này thì khó có lý do thuyết phục khi đặt đơn yêu cầu cung cấp thông tin về tài sản.

7. Xe thuộc về ai?
Trong thời gian ly thân, không phụ thuộc vào việc ai là chủ sở hữu, xe có thể được giao cho người cần sử dụng nó. Xe tuy không hẳn được xếp vào vật dụng trong nhà, nhưng nếu hai vợ chồng có hai xe để đi làm, thì cũng có thể coi xe là vật dụng gia đình. Kể cả khi xe không phải là vật dụng gia đình, nó vẫn có thể thuộc về cả hai. Nếu xe mua để phục vụ mục đích gia đình, nó thuộc về cả hai vợ chồng, không cần biết ai là người đứng tên. Nếu hai bạn có nhiều xe, những không thể xác định rõ xe nào dùng cho mục đích gia đình thì sẽ phải xét đến việc ai là chủ sở hữu. Tùy theo mức độ sử dụng mỗi xe, có thể xếp xe đó theo hạng mục sở hữu riêng hoặc cùng sở hữu.

8. Ai là người được nhận tiền cho trẻ (Kindergeld) khi ly thân?
Ai tiếp tục nuôi con, người đó được nhận. Điều này dựa trên việc, hộ khẩu đăng ký thường trú của con bạn ở đâu. Kể cả khi hai bạn có thỏa thuận riêng, đối với cơ quan nhà nước chúng không hề có hiệu lực, họ có thể đòi lại nếu phát hiện chuyển không đúng người nhận. Phần trợ cấp Corona cho trẻ 2020/2021 cũng cùng số phận như tiền cho trẻ. Nếu bạn chu cấp tiền mặt để nuôi con, bạn có thể đòi lại một nửa số tiền này (Kindergeld/Kinderbonus)

9. Sau khi ly thân, ai phải trả món nợ nào?
Nếu đó là những món nợ riêng thì ai nợ người ấy trả. Nếu là nợ chung, hai bạn sẽ phải thống nhất xem ai thường/một mình sử dụng hoặc chia đôi số nợ. Nếu hai bạn có tài khoản chung, cả hai sẽ phải cùng chịu trách niệm nếu tài khoản âm, ít nhất là đối với ngân hàng. Các bạn có thể thỏa thuận nội bộ, hoặc nếu không thống nhất được, có thể tố tụng dân sự để đòi lại từ người kia.

10. Tôi có thể xin những hỗ trợ tài chính nào khi ly thân?
Nếu bạn không có/hoặc thu nhập thấp, bạn có thể xin hỗ trợ tiền thuê nhà, trợ cấp thất nghiệp, trợ cấp mất sức lao động, ứng trước trợ cấp cho trẻ vị thành niên, giảm tiền gửi trẻ, xin trợ cấp đào tạo vv. Ngoài ra, bạn có thể yêu cầu tư vấn Jugendamt tư vấn miễn phí về vấn đề ly thân, ly hôn.

11. Những thay đổi cơ bản về thuế sau khi ly thân?
Kể từ năm hai bạn ly thân, hai bạn sẽ không được tính thuế thu nhập chung (§26 EStG) nữa. Thay vì lựa chọn hạng mục thuế IV/IV hoặc III/V, hai bạn sẽ quay trở về mức thuế I hoặc II (đơn thân nuôi con).

11. Ly thân có ảnh hưởng gì đến quyền nuôi con không?
Có, bởi vì khi ly thân, người trực tiếp chăm, nuôi con có quyền tự mình quyết định những việc hàng ngày của con, § 1687 I 2 BGB.

12. Tôi có thể một mình quyết định điều gì liên quan đến con?
Nếu chỉ mình bạn có quyền nuôi con, đương nhiên bạn có quyền tự quyết định mọi việc, trừ những việc liên quan đến thăm con của người kia. Nếu hai bạn cùng có quyền nuôi con, người trực tiếp nuôi con có quyền quyết định những việc liên quan đến đời sống hàng ngày của con, người gián tiếp nuôi con quyết định những việc liên quan đến thăm con mà không phải xin ý kiến của người kia.

13. Chúng tôi có phải liên hệ với Jugendamt không?
Trong bất cứ vụ ly hôn nào có liên quan đến trẻ vị thành niên tòa cũng đều sẽ báo cho Jugendamt. Jugendamt có nghĩa vụ thông báo với hai bạn về việc tư vấn miễn phí về ly thân và ly hôn. Nếu hai bạn xảy ra tranh cãi về quyền nuôi con, Jugendamt có nghĩa vụ tìm hiểu vụ việc và thông báo với tòa.

14. Chuyển nhà cùng con – khi nào thì được phép?
Nếu hai bạn cùng có quyền nuôi con, bạn không được phép tự ý chuyển nhà nếu không có sự đồng ý của người kia, đặc biệt nếu bạn muốn chuyển đến nơi khiến con bạn sẽ phải thay đổi nhiều trong không gian sống (chuyển thành phố, nhà trẻ, trường học). Tuy nhiên, bạn có thể đặt đơn xin hưởng quyền tự quyết định hộ khẩu cho con nếu hai bạn bất đồng ý kiến.

15. Ai là người quyết định về việc nuôi con?
Nếu thỏa thuận được với nhau, hai bạn có thể tự quyết định. Trong trường hợp bất đồng ý kiến, hai bạn có thể yêu cầu tòa quyết định.

16. Ai là bố của con tôi?
Về mặt pháp lý, có thể phân biệt giữa bố đẻ (leiblicher Vater), bố trên danh nghĩa (gesetzlicher Vater) và bố giáo dưỡng (sozialer Vater).
Bố đẻ đương nhiên là người bố có quan hệ huyết thống, sinh học.
Bố trên danh nghĩa là người kết hôn với người mẹ vào thời điểm con được sinh ra, người làm thủ tục nhận con, người được tòa xác nhận là bố hoặc là người nhận nuôi trẻ. Bố trên danh nghĩa còn là người bố theo pháp luật, nhưng không phải là bố đẻ.
Bố giáo dưỡng là người sống cùng trẻ trong gia đình với tư cách bố của trẻ.

17. Tôi có thể trừ chi phí ly hôn vào thuế được không?
Thường thì không! Kể từ năm 2013, chi phí ly hôn không còn được xếp vào hạng mục không thể chi trả, bởi vì thông thường bạn không trở thành tán gia bại sản sau khi ly hôn. Tuy nhiên, ở một vài trường hợp ngoại lệ – ví dụ như nếu hai bạn lâu nay vẫn cùng kinh doanh để có thu nhập – bạn có thể tính lệ phí ly hôn để trừ thuế.

18. Tôi có thể dùng lại họ khai sinh sau khi ly hôn?
Sau khi đã có quyết định ly hôn chính thức của tòa, bạn có thể đến sở tư pháp làm thủ tục thay đổi họ. Con bạn vẫn sẽ giữ họ cũ kể cả khi bố mẹ đã ly hôn.

19. Cần tiến hành những thủ tục gì khi ly hôn?
Luật sư của bạn sẽ phải đệ đơn xin ly hôn. Bên nào đệ đơn, bên ấy phải nộp phí tòa trước, nhưng sau khi kết thúc thủ tục ly hôn, chi phí này sẽ chia đôi. Bên bị đơn cũng có thể đặt đơn xin ly hôn hoặc đồng ý/phản đối đơn xin ly hôn của bạn. Hai bạn sau đó cũng có thể đặt tiếp các đơn liên quan đến những việc sau khi ly hôn: cân bằng hưu trí, trợ cấp sau khi ly hôn, trợ cấp nuôi con, cân bằng tài sản, quyền nuôi con, quyền thăm con vv. Bạn cần lưu ý, những đơn này, nếu muốn, bạn phải đặt 15 ngày trước khi có hẹn xử ly hôn.

20. Có bắt buộc phải thuê hai luật sư không?
Nếu hai bạn thuận tình ly hôn, nghĩa là không có bất cứ tranh cãi nào về những việc sau khi ly hôn (ví dụ như hai bên lập thỏa thuận công chứng), hai bạn có thể nhờ cùng một luật sư đại diện. Tuy nhiên, luật sư này cũng chỉ đại diện cho thân chủ của mình (nguyên đơn). Nếu có bất cứ tranh chấp nào, hai bạn buộc phải thuê luật sư riêng.

21. Khi nào thì tôi có hẹn xử ly hôn?
ngay lập tức, nếu thẩm phán cho rằng không hề có đủ điều kiện để ly hôn, ví dụ như chưa đủ 1 năm ly thân hòa giải.
khi thẩm phán cho rằng đã đủ cơ sở và chứng cứ để xử, nghĩa là khi cả hai bên đã cũng cấp đủ thông tin liên quan đến cân bằng hưu trí, đặt đủ những đơn cần đặt.
Vào ngày xử ly hôn, tòa sẽ hỏi bạn những điều sau: Hai bạn ly thân từ khi nào? Quá trình ly thân diễn ra ra sao? Ai là người chuyển ra khỏi nhà? Hai bạn có thử hòa giải chưa? Hai bạn có cho rằng cuộc hôn nhân của mình đã không thể cứu vãn? Hai bạn có thực sự muốn ly hôn?
Thường thì đây là phiên xử kín, nhưng khi công bố quyết định cho phép ly hôn, thẩm phán sẽ tuyên bố công khai (nghĩa là sẽ mở cửa phòng xử).

22. Thẩm pháp có quyết định luôn về những hệ quả sau ly hôn không?
Không, những việc sau ly hôn tòa chỉ xử nếu bạn đặt đơn, trừ việc cân bằng hưu trí. Bạn có thể lựa chọn các hình thức khác: lập thỏa thuận công chứng về cân bằng hưu trí, phân chia tài sản, trợ cấp sau ly hôn vv. trước hoặc trong quá trình tiến hành ly hôn; lập thỏa thuận sau khi bản án ly hôn đã có hiệu lực, không yêu cầu xét xử về những vấn đề sau ly hôn.

23. Tôi được cân nhắc về việc đặt đơn yêu cầu xét xử hệ quả sau ly hôn đến khi nào?
15 ngày trước khi tiến hành xử ly hôn, bạn có cơ hội cuối cùng đệ đơn bổ sung, nếu hẹn này bị hoãn, thời hạn cũng được hoãn theo.

24. Tôi có thể ly hôn online được không?
Xử ly hôn luôn yêu cầu bạn có mặt tại tòa án gia đình. Tuy nhiên, không nhất thiết phải thẩm vấn hai người cùng một lúc hay tại cùng một tòa. Luật sư của bạn cũng không thể liên lạc online với tòa, nhưng có thể với bạn.

25. Quá trình xét xử ly hôn thường kéo dài bao lâu?
Thời gian lâu hay mau liên quan đến việc hai bạn đồng thuận ly hôn hay không thể thống nhất ý kiến, hai bạn chỉ muốn ly hôn hay còn yêu cầu tòa quyết định những việc sau ly hôn.

26. Trợ cấp phí sinh hoạt được tính toán theo tiêu chí nào?
Khi nào thì bạn có nghĩa vụ trợ cấp phí sinh hoạt, dựa trên cơ sở nào, thu nhập người phải trợ cấp được tính ra sao, vì sao người được trợ cấp không thể tự chi trả, bản thân người phải trợ cấp có chi trả được cho tất cả mọi thành viên trong gia đình không vv.

27. Vì sao còn phải trợ cấp cho vợ/chồng sau khi ly thân?
Cho tới thời điểm ly hôn, hai bạn vẫn còn trong mối quan hệ vợ chồng. Tuy về mặt lý thuyết, sau khi ly thân, người nào lo cho người nấy. Nhưng trên thực tế, do tính chất phân chia công việc trong gia đình, do tuổi cao, bệnh tật hoặc bận chăm con nhỏ vv, nên một trong hai bạn không có khả năng đi làm để có (đủ) thu nhập.

28. Thu nhập được tính như thế nào?
Quan trọng là tỷ lệ 1/12 tổng thu nhập cả năm. Thu nhập được tính ra là thu nhập (từ tất cả các nguồn như: công việc, lãi, tiền thuê nhà, lương hưu vv) sau khi đã trừ thuế, các chi phí bảo hiểm, xã hội, nợ hàng tháng.

29. Nghĩa vụ lao động là gì?
Cả người phải lẫn người được trợ cấp đều có nghĩa vụ cố gắng tìm công ăn việc làm tạo thu nhập. Đương nhiên, điều này còn liên quan đến việc hiện bạn có đang phải chăm con nhỏ, có tìm được chỗ gửi trẻ hay không. Ai không thể làm việc cả ngày, có nghĩa vụ phải chứng minh lý do vì sao mình không thể. Tuy nhiên, trong năm ly thân đầu tiên, bạn chưa bắt buộc phải thực hiện nghĩa vụ lao động này. Nếu bạn phải chăm con, tùy vào độ tuổi của con bạn, có thể bạn sẽ được miễn hoặc bắt buộc phải đi làm vài tiếng/ngày trong tuần. Ngoài ra còn có các yếu tố khác như tình trạng sức khỏe, bệnh tật, thị trường lao động.
Nếu bạn không thể chứng minh thuyết phục, tòa hoàn toàn có thể đưa ra thu nhập giả thiết để tính cho bạn.

30. Nếu không có đủ tiền cho tất cả mọi người trong gia đình thì sao?
Bảng tính trợ cấp nuôi con Düsseldorf sẽ cung cấp cho bạn khoản trợ cấp không phụ thuộc vào thu nhập. Ai phải trợ cấp cho nhiều người, có thể sẽ rơi vào ngưỡng trợ cấp này, thậm chí còn rơi xuống mức không đủ sống. Trong trường hợp này, việc tính trợ cấp sẽ được tính theo các mức ưu tiên sau:
– Bản thân người phải trợ cấp cũng cần đủ tiền tối thiểu để sống, đây là khoản có thể xem từ bảng tính Düsseldorf nói trên
– Trẻ em vị thành niên
– Thanh thiếu niên còn đi học và sống cùng bố/mẹ (đối tượng ưu tiên)
– những người có quyền hưởng trợ cấp khác (học nghề, sinh viên, vợ/chồng/, bố mẹ. Trong số họ còn có thể phân cấp theo các hạng mục: người đó có đang phải chăm trẻ nhỏ hoặc có những lý do khác vv.

31. Trợ cấp ứng trước là gì?
Trẻ đang sống với bố/mẹ đơn thân hoặc không được bố/mẹ trợ cấp hoặc không thuộc trong số được nhận trợ cấp tối thiểu theo điều 1612 khoản 1 luật dân sự, có thể xin ứng trước trợ cấp ở Jugendamt. Trợ cấp này có thể được cấp cho tới năm trẻ 12 tuổi, không phụ thuộc vào điều kiện kinh tế của người đang nuôi trẻ, chỉ cần đó là bố/mẹ đơn thân.
Kể từ ngày 1 tháng 7 năm 2017 còn có trợ cấp ứng trước cho đến năm 18 tuổi nếu đủ các điều kiện sau:
– Trẻ không hưởng trợ cấp xã hội theo SGB II hoặc hưởng trợ cấp theo điều 9 SGB II
– Bố/mẹ đang nuôi trẻ có thu nhập ít nhất là 600 EUR (không tính tiền cho trẻ), thêm vào đó không trừ đi các khoản theo điều 11b SGB II
Các bạn lưu ý là trợ cấp bổ sung đến năm 18 tuổi này không áp dụng cho mô hình bố/mẹ „đơn thân“ nhưng con thỉnh thoảng lại do người kia nuôi, cũng như không áp dụng cho trường hợp me đơn thân không biết bố con mình là ai (One-Night-Stand-Fälle).

32. Cân bằng hưu trí theo luật nghĩa là gì?
Khi tiến hành cân bằng hưu trí, những quyền lợi về hưu trí mà vợ/chồng được hưởng sẽ được cộng lại chia đôi. Các bạn sẽ phải điền đầy đủ thông tin vào mẫu đơn V10 và có trách nhiệm kiểm tra tính chân thực những thông tin người kia cấp.
Nếu bạn quên hoặc bỏ qua quyền lợi nào, bạn sẽ không thể điều chỉnh lại sau khi quyết định đã có hiệu lực.

33. Thủ tục cân bằng hưu trí diễn ra như thế nào?
Bước 1: Tính thời gian kết hôn
Tháng kết hôn của hai bạn được tính là tháng đầu tiên, tháng bạn nộp đơn ly hôn là tháng cuối của thời kỳ hôn nhân.
Bước 2: Mẫu đơn V10
Sau khi đã xác định được khoảng thời gian kết hôn, hai bạn sẽ phải điền đầy đủ thông tin vào mẫu đơn V10. Bạn lưu ý đây là nghĩa vụ của bạn, tòa hoàn toàn có quyền cưỡng chế nếu bạn cố tình không tuân thủ.
Bước 3: Giải trình thông tin tài khoản
Giải trình về các mốc thời gian, ví dụ: chứng minh thời gian học nghề, học đại học, thời gian ra nước ngoài, thời gian đặt đơn xin nghỉ chăm con vv.
Bước 4: Thông báo cho cả hai
Bên bảo hiểm hưu trí sẽ thông báo cho tòa thông tin về phần của mỗi bên. Đây là thời điểm cuối cùng để hai bạn cân nhắc xem có nên cân bằng theo pháp luật hay tự thỏa thuận với nhau.
Bước 5: Chia lương hưu trí
Sau khi tòa đã tuyên bố quyết định, mỗi người sẽ được nhận phần lương hưu của mình tính theo khoảng thời gian kết hôn.
Bước 6: Tôi cần phải làm gì?
Hai bạn không cần phải làm gì cả, mọi thứ sẽ do hãng bảo hiểm tự động cân bằng, trừ phi bạn đã đến tuổi nghỉ hưu, trong trường hợp này có thể áp dụng những quy định đặc biệt khác.

34. Tình hình lương hưu của tôi sẽ như thế nào sau khi ly hôn?
Nếu bạn yêu cầu cân bằng lương hưu theo luật định, tình huống lương hưu sau khi ly hôn sẽ như sau:
những quyền lợi về hưu trí được hưởng trước khi kết hôn
+
một nửa quyền lợi có được trong khoảng thời gian kết hôn, gồm cả thời gian trông con nhỏ
+
những quyền lợi được hưởng kể từ khi đơn ly hôn được nộp lên tòa

35. Chúng tôi có thể tự thỏa thuận cân bằng hưu trí không?
Hai bạn có thể tự lập thỏa thuận: không tiến hành cân bằng, chỉ cân bằng một phần, hạn chế khoảng thời gian cân bằng, bù trừ vào phần phân chia tài sản, bù trừ vào bất động sản vv.
Tuy nhiên, hai bạn cần lập thỏa thuận trước mặt công chứng viên hoặc tuyên bố trước tòa với luật sư đại diện. Tòa hoàn toàn có quyền kiểm tra nội dung thỏa thuận nếu nghi ngờ thỏa thuận này quá bất lợi đối với một bên.

36. Bảo hiểm pháp lý gia đình có chi trả phí ly hôn cho tôi?
Thường thì bảo hiểm này chỉ trả chi phí luật sư tư vấn lúc ban đầu, và cũng chỉ trả nếu sau đó bạn không yêu cầu nộp đơn ly hôn hoặc chỉ trả một phần.

37. Chi phí một vụ ly hôn hết bao nhiêu?
Giá trị một vụ xử ly hôn được tính theo công thức:
3 (tháng) x (lương cầm tay của chồng + lương cầm tay của vợ)
Thẩm phán có thể định ra mức giá trị chung do liên quan đến nghĩa vụ trợ cấp nuôi con hoặc nếu mức tài sản lớn.
Công thức tính mức phí tòa trong trường hợp yêu cầu cân bằng tài sản trong phiên xử ly hôn:
10% giá trị vụ ly hôn x số quyền lợi cần cân bằng
Chi phí thuê luật sự sẽ được tính như sau:
2,5 (1,3 phí thủ tục tố tụng + 1,2 phí tham dự phiên tòa) x giá trị tương ứng tính từ giá trị vụ việc + phụ phí khác (nếu có)
Thường thì sau khi kết thúc phiên xử, tổng chi phí tòa được chia đôi, chi phí thuê luật sư do mỗi bên tự trả.

38. Tôi có thể xin trợ cấp phí tòa gì từ nhà nước?
Bạn có thể xin hỗ trợ tư vấn trước khi tố tụng (Beratungshilfe) và trợ cấp phí tố tụng (VKH).

39. Tôi có thể xin VKH nếu có nhà riêng không?
Nếu bạn đang sở hữu ngôi nhà quá lớn đối với bạn, bạn có thể được nợ tiền VKH, ví dụ như trường hợp đây là ngôi nhà của cả gia đình nhưng hiện tại chỉ có một người đang sống ở đó.

40. Tôi có thể loại quyền thừa kế của vợ/chồng đang ly thân của mình không?
Có, bạn hoàn toàn có thể hủy quyền thừa kế của vợ/chồng đang ly thân của bạn, tuy nhiên người này vẫn được hưởng phần thừa kế theo luật định, trừ phi áp dụng điều 1933 BGB.

41. Tôi có thể thỏa thuận về những việc sau khi ly hôn mà không cần ra tòa không?
Có, các bạn có thể tự thỏa thuận những việc này. Tuy nhiên, bạn cần lưu ý:
Trợ cấp khi ly thân và trợ cấp nuôi con là không thể bỏ
Thỏa thuận về trợ cấp sau khi ly hôn, cân bằng tài sản và bất động sản cần được công chứng (nếu vẫn chưa ly hôn)
Không thể bỏ việc cân bằng hưu trí sau khi quyết định đã có hiệu lực.


Thị thực, cư trú
Sau đây là những thông tin cơ bản về thị thực, cư trú, các câu hỏi thường gặp, liên quan đến sở ngoại kiều, đặc biệt dành cho những ai hiện đang sống ở Frankfurt am Main.

Có những dạng thị thực nào ở Đức?
Tất cả những dạng thị thực đều được nêu tại điều 4 khoản 1 câu 2 luật cư trú: Visa (§ 6), giấy phép cư trú (§ 7), thẻ xanh EU (§ 19a), giấy phép định cư (§ 9), và giấy phép định cư dài hạn EU (§ 9a)
Visa: § 6 luật thị thực dựa theo quy chế số 810/2009 (Visacodex) của EG. Từ ngày 5 tháng 4 năm 2009, quy chế này nếu rõ những điều kiện và thủ tục tiến hành cấp visa để nhập hoặc quá cảnh tại Đức cũng như cư trú 3 tháng trong khoảng thời gian 6 tháng
Giấy phép cư trú (Aufenthaltserlaubnis) là hình thức thị thực có thời hạn, được cấp tùy theo mục đích khác nhau: học nghề (§ 16a), học ĐH (§ 16b khoản 1 câu 1), học tiếng (§ 16 khoản 5), làm việc, vì lý do dân tộc, nhân văn và chính trị, đoàn tụ gia đình.
Thẻ xanh EU (Blaue Karte EU) được quy định ở điều 18 b khoản 2 luật cư trú, dựa theo chỉ thị RL 2009/50/EG, dành cho các đối tượng chuyên gia. Người đặt đơn xin cấp thẻ xanh EU phải có bằng tốt nghiệp của Đức, hoặc của nước ngoài được Đức công nhận hoặc chứng minh tương ứng bằng kinh nghiệm làm việc ít nhất 5 năm.
Giấy phép định cư (Niederlassungserlaubnis) là thị thực cứ trú vô hạn (§ 9 khoản 1 câu 1). Với giấy phép này, bạn có thể định cư, đi làm mà không chịu bất cứ hạn chế về không gian hay thời gian nào.
Giấy phép được cư trú dài hạn-EU (Erlaubnis zum Daueraufenthalt-EU) cũng tương đương với giấy phép định cư (§ 9a a khoản 1 câu 2 và 3). Cơ sở pháp lý của giấy phép này là chỉ thị RL 2003/109/EU. Khác với giấy phép định cư chỉ ở khía cạnh hạn chế trong phạm vi liên minh Châu Âu.

Quá trình cấp và gia hạn thị thực đối với dân nhập cư diễn ra như thế nào?

Người nhập cư đến từ quốc gia được miễn hay buộc phải có thị thực?
Nếu đến từ quốc gia được miễn thị thực, người đó được phép nhập cảnh và cư trú trong phạm vi liên minh Châu Âu 90 ngày trong khoảng thời gian 180 ngày mà không cần phải xin phép trước. Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc người đó có quyền đi làm trong khoảng thời gian miễn thị thực này. Sau khi khoảng thời gian 180 ngày (kể từ khi nhập cảnh và cư trú hết 90 ngày) kết thúc, người đó lại được phép nhập cảnh và cư trú 90 ngày miễn thị thực tiếp theo.

Công dân Châu Âu cũng như công dân từ các quốc gia: Island, Lichtenstein, Na Uy và Thụy Sỹ (xem thêm ở Phụ lục II về quy chế cấp Visa EG) được miễn thị thực 90 ngày. Nếu họ có thành viên trong gia đình thuộc nước thứ ba, những người này phải xin thị thực. Tuy nhiên, nếu vi phạm, không thể phạt họ bằng hình thức trục xuất.

Phụ lục II cũng liệt kê các công dân nhập cư cần phải xin thị thực:
Schengenvisum: là thị thực thăm thân, cần có người bảo lãnh, trong giấy mời phải nêu rõ mục đích và khoảng thời gian xin cấp thị thực. Trong trường hợp bị từ chối, bạn có thể đệ đơn „Remonstration“ ở đại sứ quán có thẩm quyền để biết rõ lý do từ chối cấp visa.

Những điều kiện cần có khi xin cấp thị thực:
– Đảm bảo được chi phí sinh hoạt
– Không có lý do cần trục xuất
– Hộ chiếu hợp lệ
– Không có nguy cơ, ý định khủng bố
– Không rơi vào trường hợp nộp đơn tị nạn chắc chắn bị từ chối
– Không rơi vào trường hợp đang bị cấm nhập cảnh và cư trú

Các bước xét duyệt cơ bản:
-> Đơn xin cấp thị thực có thể đặt trong nước hay phải đặt ở nước ngoài?
-> Thời hạn thị thực vẫn chưa hết?
-> Đảm bảo được chi phí sinh hoạt?
-> Có lý do trục xuất nào không?
-> Hộ chiếu còn hợp lệ?
-> Có dấu hiệu cho thấy ý định khủng bố nào không?
-> Hiện có đang đặt đơn xin tị nạn?
-> Đơn xin tị nạn này có bị bác vì rõ ràng không có lý do gì để xin tị nạn theo điều 30 khoản 3 luật tị nạn không?
-> Người đặt đơn có từng bị trục xuất, yêu cầu rời khỏi biên giới và nếu có, thời hạn cấp nhập cảnh và cư trú đã hết chưa?

Những câu hỏi thường gặp liên quan đến sở ngoại kiều:


1. Tôi có hẹn ở sở ngoại kiều (SNK). Tôi cần chuẩn bị những gì?
Bạn cần mang theo giấy xác nhận có hẹn (E-Mail). 10 phút trước khi có hẹn, bạn hãy có mặt trước cửa ra vào của SNK ở đường Rebstöckerstr. 4, 60326 Frankfurt am Main. Bạn cũng nhớ đeo khẩu trang.

2. Tôi có hẹn ở SNK nhưng có việc gấp muốn trao đổi trước, có thể không?
Hiện tại do có rất nhiều hẹn gấp nên bạn không thể hẹn bổ sung trước đó.

3. Thị thực của tôi sẽ hết trong 4 tuần nữa nhưng tôi vẫn chưa lấy được hẹn. Tôi phải làm gì?
Thường thì 2-3 tháng trước khi thị thực hết hạn, SNK sẽ liên hệ với bạn. Thế nên bạn hãy chỉ liên hệ với SNK nếu khoảng 1 tháng trước khi thị thực hết hạn mà bạn vẫn chưa nhận được tin gì. Khi đó bạn hãy viết E-mail và yêu cầu cho hẹn đến gia hạn thị thực. Sau khi nhận được E-Mail của bạn, SNK sẽ cung cấp đầy đủ thông tin về những giấy tờ bạn cần mang theo khi đến hẹn.

4. Tôi vừa đổi hộ chiếu mới và muốn „chuyển“ thị thực của tôi sang đó?
Để có thị thực hợp pháp trong hộ chiếu mới, bạn có thể lấy hẹn Online trên trang web của SNK theo mẫu đơn „Chuyển thị thực“. Sau đó, bạn sẽ nhận được những thông tin cần thiết.

5. Tôi có thể dùng thị thực cấp tạm (Fiktionsbescheinigung) để du lịch được không?
Theo điều 81 khoản 4 luật cư trú hoặc điều 81 khoản 5, điều 11 khoản 4 luật tự do đi lại EU, bạn có thể đi và về với thị thực cấp tạm nếu xuất phát từ Đức. Đa số các quốc gia chấp nhận thị thực cấp tạm, tuy nhiên, nếu muốn chắc chắn, bạn hãy tìm hiểu thông tin ở nước mình muốn đến.

6. Nếu hộ chiếu cũ của tôi đã hết hạn, thị thực lại vẫn còn nhưng chưa kịp chuyển sang hộ chiếu mới, tôi có thể du lịch không?
Bạn vẫn có thể du lịch trong trường hợp này nếu bạn đem theo thẻ thị thực còn hợp lệ, hộ chiếu cũ và mới. Tuy nhiên bạn có thể bị nhân viên hải quan kiểm tra lâu hơn một chút.

7. Tôi đã đặt thẻ thị thực số hóa. Tôi cần làm gì để có thị thực số hóa?
Hiện nay SNK gửi thị thực số hóa của bạn theo đường bưu điện. Bạn không thể tự tới lấy. Do có rất nhiều thị thực phải cấp nên tính từ khi bạn đến lấy dấu vân tay làm thị thực số hóa, bạn có thể phải đợi đến 12 tuần mới nhận được thị thực trong hòm thư.

8. Tôi phải làm gì nếu đánh mất thị thực số hóa?
Bạn có thể lấy hẹn ở SNK theo mẫu đơn „Mất thị thực số hóa“ và nhận được những thông tin cần thiết.

9. Làm sao để đặt đơn xin thị thực dài hạn/vô hạn?
Tất cả các đơn xin thị thực dài hạn/vô hạn đều được xét theo thứ tự trước sau đơn bạn đặt (nghĩa là nếu thị thực có hạn của bạn vẫn còn).

10. Tôi muốn chuyển nơi làm việc và cần sự chấp nhận của SNK, tôi phải làm gì?
Bạn hãy gửi bản Copy miêu tả công việc bạn muốn chuyển cho SNK qua E-Mail. Trên trang web của SNK có mẫu đơn dành riêng cho việc này. Chủ lao động mới của bạn có nghĩa vụ phải điền thông tin vào đơn này. Ngoài ra, bạn hãy gửi cho SNK: copy hộ chiếu, copy thị thực hiện có, copy trang bổ sung thị thực, copy hợp đồng lao động (nếu có) theo địa chỉ:
abh-43.2.bo@stadt-frankfurt.de
Nếu có bằng tốt nghiệp ĐH, bạn hãy gửi cho SNK theo địa chỉ:
abh-43.3.bo@stadt-frankfurt.de
Sau đó bạn sẽ nhận được thông tin hướng dẫn tiếp theo.

11. Thị thực tạm thời (Aufenthaltsgestattung) của tôi sắp hết hạn. Tôi phải làm gì?
SNK sẽ tiếp tục kéo dài thị thực tạm thời và gửi qua đường bưu điện cho bạn. Nếu thị thực tạm thời của bạn đã hết hạn mà bạn vẫn chưa nhận được thị thực mới, bạn có thể gửi bản copy thị thực cũ qua E-Mail cho SNK:
Họ A – KHAM: abh-42.3@stadt-frankfurt.de
Họ KHAN – Z: abh-42.4@stadt-frankfurt.de

12. Giấy tạm dung (Duldung) của tôi sắp hết hạn. Tôi phải làm gì?
Khi được cấp giấy tạm dung, thường thì bạn cũng lấy được hẹn cho lần gia hạn tiếp theo. Nếu giấy tạm dung đã hết hạn mà bạn vẫn chưa có hẹn, bạn có thể gửi bản copy giấy tạm dung cũ qua E-Mail cho SNK:
Họ A – J: abh-44.1@stadt-frankfurt.de
Họ K – Z: abh-44.2@stadt-frankfurt.de

13. Tôi có thể gia hạn visa nếu như ở nước tôi đang có lệnh phong tỏa hoặc tôi mua được vé máy bay rẻ hơn ở thời điểm khác?
Không, việc gia hạn visa chỉ có thể trong một số trường hợp ngoại lệ: do thiên tai hoặc liên quan đến những quyết định chính trị. Lệnh phong tỏa không xếp vào hạng mục thiên tai.

14. Làm thế nào để liên hệ với SNK?
Hiện tại bạn chỉ có thể liên hệ với SNK qua E-Mail hoặc số Hotline: 069 212 42285 (từ thứ 2 đến thứ 5 trong khoảng thời gian từ 8h đến 16h và vào thứ 6 từ 8h đến 12h).

Địa chỉ liên hệ trong trường hợp cần chuyển thị thực (sang hộ chiếu mới):
abh-41.4@stadt-frankfurt.de  

Địa chỉ liên hệ xin thị thực:
Họ A – MAH: abh-42.1@stadt-frankfurt.de
Họ MAI – Z: abh-42.2@stadt-frankfurt.de

Địa chỉ liên hệ xin thị thực với mục đích tị nạn hoặc nhân văn:
Họ A – KHAM: abh-42.3@stadt-frankfurt.de
Họ KHAN – Z: abh-42.4@stadt-frankfurt.de

Địa chỉ xin thị thực với mục đích học nghề hoặc học ĐH:
abh-43.1@stadt-frankfurt.de

Địa chỉ liên hệ dành cho người lao động không có bằng cấp và thân nhân:
abh-43.2@stadt-frankfurt.de

Địa chỉ liên hệ dành cho người lao động có bằng ĐH và thân nhân:
abh-43.3@stadt-frankfurt.de

Địa chỉ liên hệ về những vấn đề liên quan đến công dân EU và thủ tục lao động có tay nghề:
abh-43.4@stadt-frankfurt.de

Địa chỉ liên hệ về thủ tục nhập cảnh:
abh-einreise@stadt-frankfurt.de

Địa chỉ liên hệ về việc tạm dung:
Họ A – J: abh-44.1@stadt-frankfurt.de
Họ K – Z: abh-44.2@stadt-frankfurt.de